Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018 và Nghị định số 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Thành lập đơn vị đăng kiểm phù hợp với quy hoạch địa phương
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là việc quy định khi có nhu cầu đầu tư xây dựng đơn vị đăng kiểm, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm phải có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ vị trí dự kiến xây dựng đơn vị đăng kiểm.
Thành lập đơn vị đăng kiểm phải có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo phù hợp với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và đảm bảo mật độ các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, các tỉnh thành phố liền kề trong khu vực phân bố đồng đều, phù hợp theo hướng giảm cự ly di chuyển của phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, đơn vị kinh doanh vận tải được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới hoặc ngược lại nhưng phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.
Ngoài ra, hoạt động kiểm định phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm định.
Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, sau khi hoàn thành việc đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm lập một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Sở GTVT.
Cơ quan này cũng có trách nhiệm trong việc thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Trong đoàn, phải có tối thiểu một thành viên đã hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định.
Các nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm: Kiểm tra, đánh giá mặt bằng đơn vị, xưởng kiểm định, thiết bị thông tin lưu trữ số liệu và trang thiết bị khác; Kiểm tra, đánh giá thiết bị, dụng cụ kiểm tra; Cơ cấu tổ chức, nhân lực; Quy trình kiểm định của đơn vị đăng kiểm; Hoạt động của dây chuyền kiểm định; Kiểm tra việc mở các sổ theo dõi, quản lý theo quy định.
Dự thảo Thông tư quy định phúc tra kết quả kiểm định là một trong những nội dung kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Phúc tra kết quả kiểm định thực hiện thế nào?
Đối với kiểm tra, đánh giá việc duy trì điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, trên cơ sở quản lý rủi ro, Sở GTVT xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm.
Ngoài các nội dung kiểm tra như kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, ở lần kiểm tra này, còn có các nội dung kiểm tra khác như: Kiểm tra, đánh giá hồ sơ và dữ liệu; Kiểm tra, đánh giá sổ theo dõi, chế độ báo cáo và quản lý, sử dụng ấn chỉ và Phúc tra kết quả kiểm định.
Để phúc tra kết quả kiểm định, trường hợp phương tiện đang có mặt tại đơn vị đăng kiểm, đoàn kiểm tra lựa chọn trong số các phương tiện đã được đơn vị đăng kiểm kiểm tra, đánh giá và ghi nhận kết quả kiểm tra để thực hiện việc kiểm tra đánh giá lại tình trạng kỹ thuật của phương tiện theo quy định và so sánh với kết luận kiểm tra đánh giá của đơn vị đăng kiểm.
Trong trường hợp phương tiện không có mặt tại đơn vị đăng kiểm, nếu phát hiện có dấu hiệu đơn vị đăng kiểm bỏ qua lỗi kỹ thuật của phương tiện nhưng vẫn cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện việc phúc tra lại tình trạng kỹ thuật của phương tiện.
Dự thảo thông tư cũng quy định về các trường hợp kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định xe cơ giới, gồm: Khi có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định; Có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng; Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định).
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra đột xuất là Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT. Trường hợp đơn vị đăng kiểm vi phạm các quy định về hoạt động kiểm định xe cơ giới, cơ quan quản lý xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
(Nguồn: https:// www.baogiaothong.vn/) Trung tâm Đăng kiểm 76-01S