Kính chắn gió xe ô tô có chức năng chính là bảo vệ hành khách khỏi gió, bụi bẩn, và các yếu tố bên ngoài khi di chuyển. Kiểm tra kính chắn gió là thao tác bắt buộc thực hiện khi kiểm định phương tiện cơ giới.
Tại phụ lục II Thông tư 30/2024/TT-BGTVT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP có quy định về nội dung kiểm tra, phương thức kiểm tra, khiếm khuyết hư hỏng và tiêu chí đánh giá khi kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, đăng kiểm viên sẽ quan sát và dùng tay lay lắc kính chắn gió, đối với các khiếm khuyết như lắp đặt không đầy đủ, không chắc chắn; kính chắn gió phía trước bị vỡ, rạn nứt; hình ảnh quan sát bị méo, không rõ; kính chắn gió hai bên, phía sau và phía bên trên bị thủng, vỡ thì phương tiện bị xếp loại có khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MaD) và không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định, chủ phương tiện cần phải đưa phương tiện đi sửa chữa, khắc phục. Trường hợp kính chắn gió hai bên, phía sau và phía bên trên bị rạn nứt phương tiện được đánh giá mức độ khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MiD) và vẫn được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.